Quản lý đo lường trên địa bàn tỉnh Nam Định trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Đăng ngày 14 - 02 - 2022
Lượt xem: 1.974
100%

Đo lường là hoạt động không thể thiếu được trong đời sống kinh tế, xã hội. Đây là một quá trình đánh giá định lượng một đại lượng cần đo để có kết quả bằng số so với đơn vị đo. Một số lợi ích của đo lường trong nền kinh tế có thể nhắc tới như: nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, đẩy nhanh chuyển đổi số, nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế... Ngoài ra, đo lường đóng vai trò quan trọng trong thiết kế và là cầu nối trong sản xuất thông minh. Nhà máy trong tương lai sẽ thông minh và cực kỳ hiệu quả với thiết kế và sản xuất được tích hợp vào dây chuyền sản xuất tối ưu, cung cấp sản phẩm theo các yêu cầu của thời gian thực. Đo lường sẽ cho phép chúng ta đạt được điều này bằng cách đánh giá sự phù hợp, hiệu suất và tính năng của mỗi bộ phận của sản phẩm cuối cùng. Nó sẽ nối kết nghiên cứu và phát triển với sản xuất thông qua một quá trình duy nhất có mức tiêu thụ năng lượng thấp và giảm tác động môi trường, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm chế tạo và tối ưu hóa quy trình sản xuất. Thực tế cho thấy, với sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì hoạt động đo lường ngày càng thể hiện rõ tầm quan trọng trong cuộc sống. Đo lường được chia thành 3 loại phụ thuộc vào mức độ phức tạp và độ chính xác khác nhau: Thứ nhất là đo lường khoa học, liên quan đến việc thiết lập, duy trì và phát triển các chuẩn đo lường (mức cao nhất); Thứ hai là đo lường công nghiệp, đảm bảo tính ứng dụng thực tiễn của các dụng cụ đo lường được sử dụng trong công nghiệp, trong quá trình sản xuất và thử nghiệm, nhằm đảm bảo chất lượng cho các nghiên cứu học thuật và cuộc sống hàng ngày; Thứ ba là đo lường pháp định, quản lý các phép đo ảnh hưởng đến tính minh bạch của các giao dịch kinh tế, đặc biệt khi có yêu cầu kiểm định tính pháp lý đối với các thiết bị đo. Hoạt động đo lường có phạm vi ảnh hưởng rộng lớn và đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tính công bằng, minh bạch trong xã hội, cụ thể như sau: Đo lường tạo điều kiện thuận lợi cho công bằng thương mại thông qua các văn bản tiêu chuẩn hài hòa, các chuẩn đo lường nhất quán và các chứng chỉ được quốc tế chấp nhận. Thực hiện yêu cầu của Chính phủ về việc xây dựng Chính phủ điện tử, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh Nam Định đã triển khai cung cấp dịch vụ hành chính công về đo lường cấp độ 3, cấp độ 4 theo yêu cầu của Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 về Chính phủ điện tử, Nghị quyết 61/2018/NQ-CP ngày 23/4/2018 quy định về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, Nghị định 45/2020/NQ-CP ngày 8/4/2020 về việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Đo lường 4.0 mới bắt đầu với xu hướng phương tiện đo thông minh (smart meters), phục vụ cho việc xây dựng căn hộ thông minh và thành phố thông minh trong tương lai. Công nghệ phương tiện đo thông minh đã tích hợp trích xuất và truyền dữ liệu không dây hiện được áp dụng cho công tơ điện, cột đo xăng dầu, hệ thống giám sát hành trình xe khách, hệ thống quan trắc môi trường tự động … Tuy vậy, phần lớn phương tiện đo sản xuất tại Việt Nam còn thô sơ do con người trực tiếp vận hành chưa tiếp cận được Đo lường 4.0. Nhiều công nghệ nền tảng cho Đo lường 4.0 như công nghệ vật liệu và công nghệ sensor phụ thuộc nhiều vào các nước có trình độ khoa học kỹ thuật tiên tiến hơn. Để bắt kịp với thời đại công nghệ 4.0 trong lĩnh vực đo lường, Thủ tưởng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 996/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 về việc phê duyệt “Đề án tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu nâng cao cơ sở hạ tầng quốc gia về đo lường góp phần nâng cao hạ tầng chất lượng. Trên cơ sở Quyết định số 996/QĐ-TTg, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã tham mưu cho Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu, trình UBND tỉnh Nam Định ban hành Kế hoạch số 96/KH-UNND ngày 16/7/2019 của UBND tỉnh Nam Định triển khai thực hiện “Đề án tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh nhằm phát triển cơ sở vật chất đo lường cho các doanh nghiệp trong tỉnh, tiếp cận với đo lường trong cách mạng công nghiệp 4.0. Công nghệ thông tin đã được sử dụng trong một số lĩnh vực kỹ thuật đo lường đặc trưng của hoạt động quản lý nhà nước từ những năm 2015 cho đến nay như phần mềm kiểm tra khối lượng hàng đóng gói sẵn và được cập nhật thường xuyên theo quy định pháp luật để đảm bảo đúng pháp lý hiện hành. Hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm về đo lường trên địa bàn tỉnh Nam Định đã bảo đảm độ chính xác của các phương tiện đo, kết quả phép đo trong mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ đặc biệt là các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu của đời sống (điện năng, xăng, dầu, khí, nước sạch, vàng bạc, dịch vụ vận tải hành khách bằng taxi,...); hạn chế tối đa việc phát sinh khiếu kiện giữa các tổ chức, cá nhân trong mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ nêu trên. Đồng thời, hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm về đo lường trực tiếp bảo đảm độ chính xác của các phương tiện đo, kết quả phép đo trong quan trắc môi trường, giúp các doanh nghiệp chủ động kiểm soát chất thải gây ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, bảo vệ môi trường. Trong lĩnh vực y tế, trang thiết bị y tế có chức năng đo được kiểm định, hiệu chuẩn chính xác đã trực tiếp giúp bác sĩ, nhân viên y tế trong phòng ngừa, chẩn đoán, điều trị chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân… Hệ thống chuẩn đo lường trong hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đã và đang dần thay đổi để đáp ứng xu hướng phát triển phương tiện đo thông minh, ví dụ như hoạt động kiểm định phương tiện đo điện năng đã được tự động hóa và điều hành trên phần mềm chuyên dụng. Trong thời gian tới hoạt động quản lý đo lường sẽ tập trung triển khai các mục tiêu trọng tâm sau: - Phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng dịch vụ kỹ thuật đo lường theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng hội nhập quốc tế và nhu cầu đảm bảo đo lường chính xác cho hoạt động doanh nghiệp, phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh. - Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên như công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ logistics; công nghệ điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số, nông nghiệp công nghệ cao...; xây dựng và triển khai hiệu quả Chương trình bảo đảm đo lường tại doanh nghiệp; tăng cường hoạt động đo lường gắn chặt với hoạt động doanh nghiệp. - Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động đa dạng các nguồn lực trong xã hội để đóng góp phát triển hoạt động đo lường. - Áp dụng hiệu quả bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường để tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước về đo lường; thực hiện chuẩn hóa năng lực, hoạt động của các tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường. - Tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phổ biến sâu rộng về vai trò, tầm quan trọng hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp./. Nguồn: THS. ĐOÀN MẠNH CHẤT - Trưởng phòng QL đo lường - Chi cục TĐC (http://khcnnamdinh.vn)

 

Ý kiến bạn đọc

    Tin liên quan

    Tin mới nhất

    Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nam Định đẩy mạnh chuyển đổi số; xây dựng vùng trồng...(29/10/2024 10:43 SA)

    Sử dụng thiết bị bay phun phân bón, thuốc BVTV thúc đẩy chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp(25/06/2024 3:10 CH)

    Thuốc CLEVER 300WG trừ sâu cuốn lá nhỏ bằng Thiết bị bay đạt hiệu quả cao (04/05/2024 7:30 SA)

    Ứng dụng thiết bị bay trong phun thuốc bảo vệ thực vật(05/07/2023 2:53 CH)

    Hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng bí ngòi Hàn Quốc(02/03/2023 2:20 CH)

    °
    518 người đang online