Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp tổ chức Hội thảo “Phát triển bền vững chuỗi lúa gạo chất lượng cao tại Nam Định gắn liền sử dụng phân bón Hữu cơ”
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp tổ chức Hội thảo “Phát triển bền vững chuỗi lúa gạo chất lượng cao tại Nam Định gắn liền sử dụng phân bón Hữu cơ”
Theo thống kê trung bình mỗi năm người dân trên địa bàn tỉnh Nam Định sử dụng khoảng trên 165.000 tấn phân bón các loại, trong đó lượng phân bón vô cơ chiếm đến 94%, chỉ có khoảng 6% phân bón hữu cơ; chủ yếu là phân hữu cơ vi sinh và một phần phân hữu cơ khoáng.
Để khuyến khích thúc đẩy mạnh việc ứng dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp đặc biệt là góp phần nâng cao năng suất chất lượng cây trồng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngày 11/12/2022, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nam Định đã phối hợp với Công ty TNHH Toản Xuân tổ chức Hội thảo với chủ đề “Phát triển bền vững lúa gạo chất lượng cao tại Nam Định gắn liền sử dụng phân bón hữu cơ” tại xã Hải Hưng huyện Hải Hậu.
Quang cảnh của Hội thảo
Dự buổi Hội thảo gồm có Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT; lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh; lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và BVTV, Chi cục quản lý chất lượng Nông lâm sản & Thủy sản; Văn phòng điều phối Nông thôn mới; lãnh đạo UBND huyện Hải Hậu; Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Hải Hậu; Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Hải Hậu; Một số HTX, hộ nông dân có diện tích lớn trong và ngoài tỉnh; Đài PT-TH, Báo Nam Định.
Tại Hội thảo các đại biểu đã tập trung phân tích tác hại, hệ lụy của việc lạm dụng phân bón vô cơ đối với đất và cây trồng gây ô nhiễm môi trường mất cân bằng sinh thái, gia tăng sự mẫn cảm của cây trồng với các loại bệnh. Hiện nay, tại Nam Định nhiều mô hình sản xuất sử dụng phân bón hữu cơ đã được hình thành giúp cho cây trồng phát triển cân đối ổn định, hạn chế sự rửa trôi và xói mòn đất, giảm ô nhiễm môi trường nâng cao chất lượng nông sản, hạn chế sâu bệnh hại trên cây trồng, tăng giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích, tiêu biểu là mô hình sản xuất lúa chất lượng cao của Công ty TNHH Toản Xuân liên kết với các Hợp tác xã SXKD DVNN và hộ nông dân trong tỉnh.
Theo ông Vũ Trọng Huân xã Hải Hưng, huyện Hải Hậu cho biết: Vụ Xuân 2022 chúng tôi đưa vào liên kết gần 70 mẫu thì có 4 hộ sản xuất đưa phân hữu cơ vào sử dụng. Kết quả cho thấy chất lượng phân hữu cơ “Năm con bò” đảm bảo hiệu quả sử dụng cao và khẳng định đất thời điểm này cần triển khai sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ và sẽ mở ra lối đi tiếp tục phát triển cho những vụ tiếp theo.
Là đơn vị sản xuất cung ứng phân bón hữu cơ mang thương hiệu Năm con bò đã áp dụng thành công trong vụ Mùa năm 2022, Công ty TNHH Toản Xuân đang có kế hoạch mở rộng quy mô sử dụng phân bón hữu cơ này cho toàn bộ chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo chất lượng cao của Công ty. Ông Nguyễn Văn Toản - Giám đốc Công ty TNHH Toản Xuân cho biết kết quả đánh giá rất rõ nét trong việc sử dụng phân bón hữu cơ, đó là là lúa chín đều, năng suất tăng lên 10% đến 15% và điều quan trọng nhất là cho chất lượng gạo thơm ngon hơn. Trước mắt, Công ty sẽ phục vụ cho toàn bộ các chuỗi sản xuất của Công ty; sau khi hoàn thiện các thủ tục pháp lý sẽ đưa ra diện rộng.
Các sản phầm trong chuỗi liên kết của Công ty TNHH Toản Xuân
Phát biểu chỉ đạo tại Hội Thảo, ông Nguyễn Sinh Tiến - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Nam Định đánh giá: Đây là mô hình điển hình qua việc sử dụng phân hữu cơ góp phần nâng cao chất lượng lúa gạo và từng bước cải tạo đất, làm cho đất ngày càng tơi xốp hơn, giàu dinh dưỡng hơn trong những vụ tới và hi vọng mô hình này nhanh chóng được nhân rộng và qua đó góp phần nâng cao chất lượng nông sản và hiệu quả kinh tế.
Hội thảo phát triển bền vững lúa gạo chất lượng cao tại Nam Định gắn liền sử dụng phân bón hữu cơ là bước đầu cho quá trình chuyển đổi sử dụng phân bón cân đối, hợp lý giữa phân bón hữu cơ và phân bón vô cơ hướng đến sản xuất nông nghiệp an toàn chất lượng, phát triển bền vững và góp hần thực hiện tốt kế hoạch số 118/KH-UBND ngày 30/12/2020 của UBND tỉnh Nam Định về phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Nam Định giai đoạn 2021 -2025, định hướng đến năm 2030./.
Nguyễn Quốc Việt - Chi cục Trồng trọt & BVTV Nam Định