Quyết liệt phòng trừ sâu, bệnh bảo vệ lúa Xuân 2024

Đăng ngày 24 - 05 - 2024
Lượt xem: 1.535
100%

 

       Trước tình hình sâu bệnh trên lúa xuân năm nay diễn biến phức tạp, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), các huyện, thành phố chủ động, quyết liệt chỉ đạo, hướng dẫn nông dân tích cực kiểm tra đồng ruộng, phát hiện và thực hiện phun trừ kịp thời, hiệu quả bảo đảm vụ lúa xuân 2024 thắng lợi.

Ngày 16-5, Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra tình hình sâu bệnh trên lúa xuân tại hợp tác xã Nam Cường (Nam Trực).
Ngày 16-5, Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra tình hình sâu bệnh trên lúa xuân tại hợp tác xã Nam Cường (Nam Trực).

       Theo thống kê của Sở NN và PTNT, lúa xuân trên địa bàn toàn tỉnh đến nay sinh trưởng phát triển tốt, đang trong giai đoạn trỗ bông. Đến ngày 16-5, tổng diện tích lúa đã trỗ bông hơn 56.204ha, đạt trên 82% diện tích gieo cấy; dự kiến đến ngày 20-5 lúa xuân sẽ cơ bản trỗ xong. Tuy nhiên, liên tục trong những ngày qua thời tiết diễn biến bất thường, mưa nắng đan xen, nhiệt độ giữa ngày đêm chênh lệnh lớn là điều kiện thuận lợi để sâu bệnh nói chung, rầy lưng trắng nói riêng phát sinh, phát triển và gia tăng mật độ rất cao gây hại lúa xuân. Tại các địa phương, rầy lưng trắng lúa 3 đã nở rộ, mật độ phổ biến từ 300-700 con/m2, nơi cao 3.000-5.000 con/m2, cục bộ có ổ trên 1 vạn con/m2, cao gấp 5-7 lần so với cùng lứa năm trước, lứa sâu này có khả năng kéo dài đến 27-5, quy mô phân bố rộng trên khắp các trà lúa… Nếu không phát hiện, phun trừ kịp thời sẽ gây cháy rầy vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 và thiệt hại nghiêm trọng đến năng suất lúa.

       Trước diễn biến phức tạp của sâu bệnh, đồng chí Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương tích cực hướng dẫn, đôn đốc nông dân thực hiện các biện pháp phòng, trừ sâu bệnh hiệu quả. Tiếp đó ngày 4-5-2024, UBND tỉnh đã có Công văn số 430/UBND-VP3 về việc tiếp tục tập trung chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh trên lúa vụ xuân 2024; ngày 14-5-2024 Sở NN và PTNT có Công điện số 1627/SNN-CCTTBVTT về việc tích cực phun trừ rầy và sâu bệnh cuối vụ xuân 2024; tổ chức đoàn xe tuyên truyền lưu động tại các địa phương về các biện pháp, cách thức, liều lượng và các loại thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng để phòng trừ sâu bệnh, đồng thời thành lập đoàn kiểm tra tình hình sâu bệnh tại các xã Giao Thịnh, Giao Hà, Giao Yến (Giao Thủy); Nam Cường (Nam Trực); Yên Cường (Ý Yên); Trực Chính, Trung Đông (Trực Ninh); Nghĩa Thịnh, Nghĩa Phong, Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng). Kết quả kiểm tra cho thấy, mặc dù mật độ rầy lưng trắng lứa 2 cao gấp 5-7 lần các năm trước; lứa kéo dài, diện rộng song các địa phương đã tích cực tổ chức phun trừ sâu tập trung, đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, do thời gian phun trừ nhiều ngày có mưa, mật độ sâu cuốn lá nhỏ rất cao cộng với thời tiết có nắng, mưa xen kẽ là điều kiện thuận lợi cho rầy phát sinh và gia tăng mật độ. Một số diện tích phun thuốc không đúng theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn nên cục bộ vẫn có diện tích phun sót lỏi những lá bị cuốn trắng và mật độ rầy cao.

       Theo đánh giá của Sở NN và PTNT, từ ngày 16 đến 25-5, rầy lứa 3 tiếp tục phát triển mạnh, nếu không phát hiện, phun trừ kịp thời sẽ gây cháy rầy vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 và ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất lúa xuân; đồng thời sẽ hạn chế nguồn gây bệnh lùn sọc đen trên lúa mùa. Bên cạnh đó, sâu cuốn lá nhỏ lứa 3, sâu đục thân 2 chấm sẽ gây hại trà lúa trỗ sau ngày 20-5 (khoảng 5% diện tích), bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh đen lép hạt gây hại trên giống nhiễm khi lúa trỗ gặp mưa. Đồng chí Nguyễn Văn Hữu, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT cho biết: Rầy lứa 3 đang xuất hiện với mật độ rất cao, diện rộng, vì thế các địa phương, nhất là các hợp tác xã cần tích cực tuyên truyền cho người dân không được chủ quan, lơ là, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, đặc biệt là những diện tích cấy các giống lúa bị nhiễm như giống Bắc thơm số 7. Nếu không phun trừ kịp thời, đúng thời điểm sẽ bị cháy rầy, ảnh hưởng rất lớn đến năng suất.

       Sở NN và PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo Phòng NN và PTNT, Phòng Kinh tế, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp hướng dẫn các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, phát động nông dân tự kiểm tra đồng ruộng để xác định và khoanh vùng những nơi, những diện tích nhiễm rầy mật độ cao, chú ý kiểm tra ở những vùng thường xuyên bị nhiễm rầy ở các vụ trước để phun trừ kịp thời, hiệu quả. Tổ chức phun trừ rầy lứa 3 tập trung từ ngày 17 đến ngày 27-5 cho những diện tích có mật độ rầy trên 50 con/khóm khi rầy tuổi 1-3. Sử dụng thuốc nội hấp không phải rẽ hàng có hoạt chất Nitenpyram; Nitenpyram + Pymetrozin như: Titan 600WG, Dyman 500WP, Florid 700WP, Ramsuper 75WP, Palano 600WP, Vuachest 800WG…; bảo đảm phun trừ theo nguyên tắc “4 đúng”, phun đủ liều lượng thuốc với lượng từ 32-48 lít nước thuốc/sào. Những diện tích lúa trỗ sớm có mật độ rầy cao, nở sớm phun đầu lịch, những diện tích lúa sạ trỗ muộn phun cuối lịch phòng trừ. Sau phun thuốc 3 ngày cần kiểm tra lại, nếu mật độ rầy còn trên 50 con/khóm phải phun lại. Trường hợp lúa chín trên 80% mà có mật độ rầy cao nên gặt “chạy rầy”.

         Đối với sâu cuốn lá nhỏ lứa 3, phun trừ từ ngày 18 đến ngày 25-5-2024 cho những diện tích lúa có mật độ sâu trên 20 con/m2; sử dụng thuốc có hoạt chất Indoxacarb, hoạt chất khác. Sau 5 ngày phun thuốc, kiểm tra lại và phun trừ kịp thời. Ngoài ra, phun trừ sâu đục thân 2 chấm trên trà lúa trỗ muộn sau ngày 20-5-2024 nơi có mật độ ổ trứng trên 0,2 ổ/m2; phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông trên giống nhiễm bệnh đen lép hạt khi lúa trỗ gặp mưa. Đối với lúa cỏ, phát động nông dân cắt bỏ các bông lúa cỏ đem tiêu hủy hoặc làm thức ăn cho gia súc ở giai đoạn lúa trỗ bông - ngậm sữa, tránh để hạt lúa cỏ rụng xuống đất, lây nhiễm cho vụ sau.

         Với sự chỉ đạo của UBND tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng và các địa phương trong việc hướng dẫn, đôn đốc nông dân thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hiệu quả sẽ có thêm vụ lúa xuân thắng lợi về năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao./.

                                                                                                                       Nguồn: Văn Đại  - Báo Nam Định

Tin liên quan

Tin mới nhất

HACAS hỗ trợ xã Nam Lợi trạm bơm cột nước thấp, góp phần khôi phục sản xuất sau bão, lũ(24/10/2024 8:53 SA)

Chi cục Trồng trọt BVTV tỉnh Nam Định tổ chức tập huấn Kỹ thuật canh tác lúa tiết kiệm nước, tạo...(13/08/2024 8:07 SA)

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nam Định tổ chức khai giảng lớp bồi dưỡng chuyên môn...(05/01/2024 3:16 CH)

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nam Định tích cực chuyển đổi số và nhân rộng mô hình...(08/12/2023 10:23 SA)

Nam Định tích cực chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp (27/10/2023 2:10 CH)

°
610 người đang online