Nam Định tích cực chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp
Chuyển đổi số trong nông nghiệp là quá trình ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số từ sản xuất đến chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, giúp hình thành nông nghiệp số, nông nghiệp thông minh. Điểm khác biệt cơ bản giữa nông nghiệp số và nông nghiệp truyền thống chính là ở việc áp dụng các công nghệ kỹ thuật số vào toàn bộ hoạt động, làm thay đổi cách thức quản lý, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp từ truyền thống sang hiện đại và thông minh. Lợi ích của chuyển đổi số mang lại cho ngành nông nghiệp là giảm thiểu rủi ro, thiệt hại do biến đổi khí hậu; giúp nông dân kết nối trực tiếp với người tiêu dùng; nâng cao năng suất lao động; tăng cường chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
Cũng như nhiều ngành nghề khác, trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp đã bắt đầu dành nhiều sự quan tâm nhiều hơn đến các giải pháp chuyển đổi số và ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong lĩnh vực trồng trọt tại Nam Định cũng có nhiều tiến bộ áp dụng trong quá trình chuyển đổi số như:
Sử dụng thiết bị bay không người lái trong việc phun thuốc trừ sâu, gieo hạt, bón phân, với hiệu suất làm việc cao gấp nhiều lần các thiết bị khác giúp tiết kiệm chi phí, hạn chế tác động xấu đến sức khỏe con người và ảnh hưởng đến môi trường.
Phun thuốc trừ sâu bằng máy bay tại Liêm Hải, Trực Ninh, Nam Định
Tại Nam Định có nhiều mô hình liên kết sản xuất trồng trọt đem lại hiệu quả kinh tế cao như: chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo chất lượng cao giữa Công ty TNHH Toản Xuân, Công ty CP vật tư kỹ thuật nông nghiệp Trực Ninh với các HTX và hộ nông dân thực hiện được trên 600 ha/vụ, sản lượng tiêu thụ 3.000 tấn/vụ lúa chất lượng cao; chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm giống lúa lai, lúa thuần của Cty Cường Tân, Cty CP Giống cây trồng Nam Định, Cty CP sản xuất tổng hợp Xuân Trường (quy mô >800 ha);.....
Ngoài ra, ứng dụng công nghệ số vào nông nghiệp giúp việc phân tích dữ liệu về môi trường, các loại đất, cây trồng, các giai đoạn sinh trưởng của cây, từ đó, người sản xuất sẽ đưa ra những quyết định phù hợp (bón phân, tưới nước, phun thuốc, thu hoạch, …), nhờ đó giảm được chi phí, giảm ô nhiễm nguồn nước và đất đai, bảo vệ được sự đa dạng sinh học. Thực tế cho thấy, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp đã giảm được 1/2 chi phí và công lao động, giảm 50% khí thải nhà kính, tăng năng suất lên 30%, vì vậy đã làm tăng thu nhập cho nông dân. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ số giúp người tiêu dùng có thể truy xuất và theo dõi được các thông số về chất lượng nông sản và yên tâm sử dụng.
Các địa phương trong tỉnh đã xây dựng được nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, sử dụng nhà màng nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt… tiêu biểu là mô hình trồng dưa, rau các loại áp dụng công nghệ cao trong nhà màng, theo VietGAP của Công ty CPSX và đầu tư nông nghiệp CNC Thần Nông tại xã Đại Thắng - huyện Vụ Bản, quy mô 07 ha, sản lượng tiêu thụ 100 tấn/năm, lợi nhuận cao gấp 3-5 lần so với phương thức sản xuất truyền thống.
Trồng dưa chuột công nghệ cao của Công ty CPSX và đầu tư nông nghiệp CNC Thần Nông tại xã Đại Thắng - huyện Vụ Bản
Một vấn đề mới mẻ trong nông nghiệp đó là mã số vùng trồng. Mã số vùng trồng góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp; là giải pháp quan trọng để hướng tới nền nông nghiệp số hoàn chỉnh.
Việc mã hóa các vùng trồng mang lại nhiều ích lợi thiết thực cho nông dân như: Chuẩn hóa quá trình chăm sóc, quản lý cây trồng, quản lý được diện tích trồng, đưa ra quy trình chuẩn trong chăm sóc; cảnh báo tình hình dịch bệnh, lên kế hoạch chăm sóc, danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng và ước lượng năng suất… Từ đó, cây trồng cho năng suất, chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu của thị trường.
Trong thời gian qua, Chi cục Trồng trọt & BVTV Nam Định đã hướng dẫn các cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh hoàn thiện hồ sơ, cập nhật nhật ký, duy trì các điều kiện trong quá trình sản xuất để cấp mã số vùng trồng một cách thuận lợi nhất tại địa chỉ https://csdltrongtrot.mard.gov.vn. Đến thời điểm hiện tại trên địa bàn tỉnh Nam Định đã cấp được 45 mã số vùng trồng trồng trọt với diện tích trên 13.000 ha. Đây là một sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của các địa phương gắn với việc xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, điều hành, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng đã và đang tạo thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp, người dân có thể tiếp cận dịch vụ công mọi lúc, mọi nơi. Hiện tại tất cả các thủ tục hành chính của Chi cục Trồng trọt & BVTV đã được số hóa, giải quyết ở mức độ 3; 4; thay vì phải mang trực tiếp đến Chi cục nộp hồ sơ thì người dân có thể sử dụng điện thoại, máy tính nộp hồ sơ trực tiếp qua mạng internet. Việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử đã tạo ra thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội...
Như vậy, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp tại Nam Định đã thực sự đem lại hiệu quả lớn lao, đã thay đổi tư duy, nhận thức và cách làm đồng thời cũng là xu thế tất yếu trong giai đoạn hiện nay – thời đại 4.0./.
Vũ Đình Trường – Chi cục Trồng trọt & BVTV.